Công nghiệp 4.0 cho ngành dệt may: cơ hội lớn!

09/02/2020
bởi Admin Admin

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) với các ứng dụng phổ biến của tự động hóa, Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI)… đang tạo ra cả thách thức và cơ hội rất lớn cho ngành dệt may, ngành thâm dụng nhiều lao động.

Với làn sóng CMCN 4.0, tốc độ thay đổi sẽ rất nhanh theo hàm số mũ như nhiều dự báo chứ không phải các hàm tuyến tính như các cuộc cách mạng trước. Do vậy, áp lực phải có giải pháp nhanh, quyết liệt và đúng hướng với các ngành thâm dụng lao động sẽ rất lớn. Ở Việt Nam, hiện nay các ngành dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ đang chiếm khoảng gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, với khoảng 5 triệu lao động. Trong 5 năm tới sẽ là giai đoạn mang tính bản lề để chuyển sang giai đoạn phát triển mới hoặc bị đào thải trong cạnh tranh.


Mô hình hóa chuỗi giá trị của ngành dệt may

Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng tạo ra các cơ hội mới. Cụ thể, với việc áp dụng tự động hóa, giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất, ngành dệt may sẽ có cơ hội sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu tồn kho… Việc áp dụng công nghệ in 3D cho phép tạo ra sản phẩm phù hợp với từng cá thể sử dụng, thỏa mãn tối đa nhu cầu người dùng và qua đó giảm lãng phí do nhà sản xuất không phải sản xuất nhiều loại để đón ý người tiêu dùng. Đặc biệt, năng suất lao động cao sẽ tạo cơ hội cho người lao động có thu nhập cao, giải quyết triệt để vấn đề thâm dụng lao động nhưng thu nhập không hấp dẫn, tỷ lệ thôi việc, bỏ việc cao.

Với công nghệ được đổi mới một phần trong thời gian qua, năng suất lao động ngành dệt may đã cải thiện khá nhiều. Nếu 10 năm trước, để tạo ra thêm 1 tỉ USD xuất khẩu cần có thêm khoảng 80.000-90.000 lao động mới, thì hiện nay chỉ cần từ 50.000-60.000 lao động mới.

Ngành dệt may với 4 nhóm sản xuất chính là sợi, dệt thoi – dệt kim, nhuộm hoàn tất và may. Công nghệ có những thay đổi rất nhanh chóng, nếu trước đây phải 10 năm mới có 1 đời công nghệ mới cho ngành sợi, 15 năm cho ngành dệt nhuộm thì 5 năm qua đã có những công nghệ mang tính đột phá.

Với ngành sợi, từ chỗ dùng 110 người cho 10.000 cọc sợi, nay chỉ cần dưới 25 người, nếu sản xuất lớn, mặt hàng ổn định sẽ chỉ còn dưới 15 người. Tốc độ chạy máy tăng 35%. Năng suất lao động đầu người tăng 6-10 lần. Suất đầu tư cho mô hình này gấp 2-3 lần so với mô hình phổ biến hiện tại ở doanh nghiệp Việt Nam.

Với ngành nhuộm, việc tin học hóa và sử dụng dữ liệu lớn của hàng triệu lần nhuộm trước đó đã làm tăng tỷ lệ nhuộm trúng lần đầu lên trên 95%, nhiều loại sản phẩm đạt 100%. Tỷ lệ sử dụng nước giảm từ 11 lần trọng lượng sợi/vải xuống còn 3-4 lần. Giảm mạnh giá thành thông qua tỷ lệ làm đúng cao và tiết kiệm hóa chất, thuốc nhuộm, nước. Suất đầu tư cao hơn 3-4 lần hiện tại.

Tương tự, trong ngành may, các khâu sản xuất cần kỹ thuật, tay nghề cao phần lớn đã được tự động hóa như mổ túi, làm cổ, vai. Hiện nay, tại châu Âu đã xuất hiện các doanh nghiệp may hoàn toàn sử dụng robot, may các sản phẩm tiêu chuẩn, gần như không sử dụng công nhân. Năng suất tăng 5-6 lần…

det may thich ung voi cmcn 40

Một góc phân xưởng dệt của Nhà máy Dệt Nam Định

Trong bối cảnh mới, để tiếp tục duy trì đà phát triển, ngành dệt may cần tập trung chuyển đổi sang phương thức sản xuất ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất), vì với các ứng dụng công nghệ mới, nhu cầu đặt hàng gia công lô lớn sẽ giảm mạnh, do công nghệ có khả năng phục vụ đến nhu cầu và sở thích từng cá nhân, thời gian nhanh.

Bên cạnh đó, ngành dệt may cần liên tục theo dõi và cập nhật công nghệ của thế giới. Đầu tư mới, đầu tư mở rộng phải tiếp cận công nghệ hiện đại. Cần liên kết dữ liệu các nhà sản xuất trong nước, liên kết dữ liệu với các nhà mua hàng, nhà sản xuất nước ngoài trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khai thác hiệu quả ứng dụng của IoT; có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại người lao động theo chuẩn công nghệ mới, đặc biệt là lao động làm được theo phương thức sản xuất ODM; nhân lực công nghệ thông tin cho ngành; đào tạo nhà thiết kế thời trang…

Ứng dụng công nghiệp 4.0 cho ngành dệt may

TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội:

Nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ giúp doanh nghiệp khai thác được các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu mà còn giúp các doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất nhằm tự động hóa, số hóa quá trình sản xuất của ngành dệt may, qua đó nâng cao nhanh năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; đồng thời, giúp doanh nghiệp có thể ứng dụng nhanh chóng các mô hình quản trị hiện đại như mô hình sản xuất tinh gọn (LEAN), quản trị đúng lúc (Just In Time) vào quá trình sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của toàn bộ quá trình sản xuất.

Theo https://smartfactoryvn.com/

Pinterest

Bình luận

Không tìm thấy bài viết

Viết bình luận