Cách mạng 4.0 và ngành may mặc các nước đang phát triển

09/02/2020
bởi Admin Admin

Trong nhiều năm, các thảo luận về ngành may mặc toàn cầu đã bị chi phối bởi câu hỏi: Quần áo của bạn được sản xuất ở đâu và bởi ai? Nhưng ngày nay, có một câu hỏi phù hợp hơn: Quần áo của bạn được tạo ra như thế nào, và bằng cái gì?


Những gì bạn mặc sẽ đi theo xu hướng công nghệ cao, cho dù bạn có nhận ra hay không. Sau nhiều thập niên sản xuất dựa vào sức lao động của các công nhân ở Nam bán cầu, trí thông minh nhân tạo (AI) và robot đang thay thế con người tại các nhà máy. Nhưng, trong khi những thay đổi này sẽ mang lại lợi ích mới cho người tiêu dùng – chẳng hạn như giao hàng nhanh hơn và quần áo tùy chỉnh theo nhu cầu- chúng cũng sẽ đi kèm với các phí tổn. Những thay đổi đối với mô hình kinh doanh của ngành may mặc đang đe dọa sinh kế của hàng triệu người ở các nước thu nhập thấp và trung bình, và cách những nền kinh tế này thích ứng với biến đổi sẽ có những tác động sâu rộng.


Ngày nay, hơn một nửa số hàng dệt may xuất khẩu của thế giới và khoảng 70% xuất khẩu quần áo may sẵn đến từ các nền kinh tế đang phát triển. Ở châu Á, khoảng 43 triệu người làm việc trong ngành may mặc, dệt may và giày dép, với phụ nữ chiếm ba phần tư lực lượng lao động. Từ Trung Quốc đến Bangladesh, sản xuất hàng dệt may đã tạo điều kiện trao quyền cho phụ nữ và đưa cả một thế hệ thoát ra khỏi đói nghèo. Nói một cách đơn giản, chấm dứt những công ăn việc làm này sẽ có tác động tàn phá.


Nhưng việc giữ chúng sẽ không hề dễ dàng. Để hiểu những gì các doanh nghiệp tại Nam bán cầu đang phải chống lại, hãy xem xét sự cạnh tranh mà họ phải đối mặt. Ví dụ, năm ngoái nhà bán lẻ trực tuyến Amazon đã được cấp bằng sáng chế tại Hoa Kỳ cho một hệ thống sản xuất đồ may mặc “theo yêu cầu” có thể tùy chỉnh đơn đặt hàng và tối ưu hóa sản xuất từ bất cứ địa điểm nào, với chi phí thấp hơn. Công ty đã giành được giấy phép cho nhà máy sản xuất đầu tiên của mình được đặt tại Norristown, Pennsylvania.


Những động thái này xảy đến chỉ hai năm sau khi Amazon công bố dòng sản phẩm quần áo riêng của mình. Và với những phát minh theo hướng tương lai như phân tích AI về xu hướng thời trang và thậm chí là gương “pha trộn thực tế” để người mua sắm trực tuyến có thể diện thử quần áo ảo, sự tham gia của Amazon vào ngành kinh doanh quần áo và ảnh hưởng của nó đến ngành này sẽ chỉ ngày một sâu sắc hơn mà thôi.


Theo nhiều cách, những cải tiến này sẽ tốt cho ngành dệt may. Chúng không chỉ làm cho mua sắm thú vị hơn mà còn làm gia tăng hiệu quả sản xuất và giảm chi phí. Các thương hiệu lớn cuối cùng sẽ có thể đáp ứng nhanh hơn thị hiếu người tiêu dùng trong khi giữ cho hàng tồn kho ở mức thấp và hạn chế việc sản xuất quần áo dư thừa. Trên thực tế, có thể chỉ là vấn đề thời gian trước khi các thương hiệu thời trang cao cấp thay nhãn “Sản xuất” (Made in) tại các nước đang phát triển thành “Sản xuất bởi Bộ phận Chế tạo của Amazon”.


Vấn đề là tất cả những thay đổi này sẽ khiến số việc làm cho nhiều người bị suy giảm. Khi các nhà máy phải đối mặt với việc đóng cửa, các cộng đồng sẽ mất thu nhập và nền kinh tế sẽ lao đao. Câu hỏi bây giờ là các nhà hoạch định chính sách nên làm gì để đối phó với thách thức này.


Đối với nhiều ngành công nghiệp, thích ứng với điều Klaus Schwab đến từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới gọi là Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư có nghĩa là cần phải điều tiết công nghệ. Nhưng trong ngành dệt may và buôn bán đồ may mặc, chỉ riêng điều đó sẽ không giải quyết được vấn đề. Thay vào đó, ngành công nghiệp này phải áp dụng một phương pháp tập trung vào con người hơn và có ý thức toàn cầu hơn đối với công việc kinh doanh của mình. Các công nghệ mới nên được đánh giá dựa trên cân nhắc chi phí đối với con người – được đo lường về mặt thu nhập bị mất, sinh kế tan vỡ, và các gia đình bị ảnh hưởng.


Hơn nữa, các công ty công nghệ phải cần hợp tác tốt hơn với các nhà sản xuất may mặc để quản lý các nền tảng tương lai. Khi công việc nhà máy truyền thống tiến hóa, các công việc phục vụ công nghệ sẽ trở nên quan trọng hơn. Cũng giống như các máy may bị hỏng và cần chỉnh sửa, các máy in quần áo và đóng gói đồ may mặc trong tương lai cũng sẽ cần các nhân lực phục vụ như thế.


Cuối cùng, để giúp dễ dàng chuyển đổi từ lao động thủ công sang sản xuất hiện đại, các doanh nghiệp và chính phủ phải bắt đầu cải thiện khả năng công nghệ của các nhân viên hiện tại. Nếu lực lượng lao động ngày nay muốn tương thích với nền kinh tế của tương lai, các nhân viên sẽ cần những kỹ năng mới để đóng góp vào nền kinh tế đó.


Tuy nhiên, để thực hiện được bất kỳ điều nào trong số trên, các nhà lãnh đạo ở các nước đang phát triển phải đối mặt với một sự thật khó khăn: lao động giá rẻ quy mô lớn không còn là một lợi thế chiến lược trong nền kinh tế toàn cầu. Tái định hình chính sách công nghiệp là rất cần thiết. Các chính phủ nên ủng hộ các hiệp định thương mại nào giúp làm giảm tác động khi các công việc ngành chế tạo bị mất, trong khi cần đặt nền tảng cho việc chuyển đổi sang các ngành công nghiệp công nghệ cao hơn.


Từ sàn nhà máy đến các cơ quan chính phủ, các biện pháp táo bạo là cần thiết nếu các nước Nam bán cầu muốn vẫn còn chỗ đứng trong ngành may mặc toàn cầu. Thay đổi không phải đang dần đến với thế giới của các nhà sản xuất đồ may mặc; nó thực sự đã hiện hữu ở đây rồi.


Nguồn: Heshika Deegahawathura, “The Garment Industry’s Technology Challenge”, Project Syndicate, 08/06/2018.
Biên dịch: Nguyễn Minh Khuê

Heshika Deegahawathura là nhà tư vấn kinh doanh tại MAS Holdings, một trong những công ty sản xuất đồ may mặc lớn nhất Nam Á.

Pinterest

Bình luận

Không tìm thấy bài viết

Viết bình luận